Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

T Ô I Y Ê U T Ổ Q U Ố C T Ô I

Đoàn chúng tôi, Chi bộ NVHTN tổ chức cho các anh chị em chuyến đi về Tây Sơn Bình Định – Vùng đất địa linh kiệt. Và sáng hôm ấy tôi bắt đầu chuyến hành trình với một tâm trạng vừa bồn chồn lại vừa hiếu kỳ, cho đến khi tôi đặt chân đến sân bay Phù Cát…
Bình Định hiện ra trước mắt tôi là một bức tranh đồng quê mà ngày còn bé tôi thường thấy trong sách giáo khoa, là những cánh đồng lúa xanh trải dài, là những ngôi nhà ngói đỏ, là những lũy tre đung đưa trong gió, là khung cảnh yên bình mà bao lâu nay tôi vẫn luyến tiếc đi tìm, là vẻ đẹp mà tôi cứ ngỡ sẽ không bao giờ hiện hữu nữa khi sự hiện đại hóa dần bao phủ từ thành phố đến đồng quê. Con đường quen thuộc chạy dài trên con đường làng, nơi hiện diện một quán cóc bên đường gần những lối rẽ, mái nhà ngói xiêu vẹo vươn mình đón những ánh nắng gay gắt, đôi chõng tre ngồi cùng chiếc bàn đóng rêu phong theo năm tháng, nơi có những con sông khô cằn trơ trọi đáy vì hạn hán và xa xa những người nông dân đang vất vả trên đồng lúa….

B ả o t à n g Q u a n g T r u n g - E l D i
 

T â y S ơ n h à o k i ệ t
Đ i ể m đ ầ u t i ê n l à b ả o t à n g Q u a n g T r u n g

Ngay trên nền nhà xưa của ba anh em nhà Tây Sơn, để tưởng nhớ hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người dân làng Kiên Mỹ đã xây dựng bảo tàng Quang Trung để dạy con cháu về tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc. Đứng trước tượng đài ba anh em nhà Tây Sơn, chúng tôi cảm thấy mình như đang là các nghĩa quân, dưới sự chỉ đạo của vị anh hùng áo vải, chuẩn bị hành quân ra trận khi cô hướng dẫn viên tái hiện hào khí một thời bằng lời của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Cạnh bảo tàng có điện thờ Tây Sơn tam kiệt, cây me hơn 200 tuổi do thân phụ vua Quang Trung trồng và còn đó giếng nước đá ong của gia đình Tây Sơn tam kiệt. Không khí thiêng liêng khiến tôi đôi khi phải rùng mình vì những cảm xúc ùa về, như được đối diện với tiền nhân, chạm vào tận cùng sâu thẳm của những cảm xúc khó tả hết bằng lời.
Sau đó Đoàn đã viếng thăm và thắp nhang tại Di tích lịch sử gia đình nhà Tây Sơn – Một di tích cấp quốc gia.
B ả o t à n g Q u a n g T r u n g - ElDi
Chúng tôi được chia thành 3 nhóm quân đại diện cho 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Thử thách đầu tiên là giải mật thư, trả lời những câu hỏi về lịch sử Vua Quang Trung. Các đội thi đua hào hứng cạnh tranh nhau để tìm ra đáp án cuối cùng. Cả đoàn tạo nên một không khí sôi động, rộn rã và đầy ắp những tiếng cười trong bảo tàng Quang Trung. Mọi người gật gù nhìn nhau bằng những ánh mắt sáng ngời khi nghe các thuyết minh viên nói về lịch sử Tây Sơn. Tại đây, chúng tôi còn được xem nhạc võ Tây Sơn hùng tráng như đứng giữa ba quân, xem những bài võ cổ truyền Bình Định với những thế võ uyển chuyển, linh hoạt. Với thế mạnh về roi, quyền và các thế võ đối kháng, các võ sinh Bình Định đã làm tôi liên tưởng về những ngày hào hùng thuở nào của cha ông đi chống giặc ngoại xâm… Và chính chúng tôi cũng đóng vai những anh hùng khi xưa, đánh trống, đi võ đánh roi múa quyền. Quả thật rất khó khăn khi các anh chị em trong trang phục truyền thống tập một vài thế võ.
Anh Tô Xuân Đức chia sẽ rằng: “Sao khó quá, tập mãi mà nhìn nó như thế nào ấy…”
Truyền thống thượng võ từ lâu đã thấm sâu vào máu thịt người dân xứ Bình Định, nơi sản sinh ra những con người có tài thao lược rạng danh nước nhà: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Bùi Thị Xuân… Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành một di sản văn hóa, một nét đẹp riêng đi vào thơ văn “Ai về Bình Định mà coi. Con gái Bình Định múa roi đi quyền”.
Buổi tối hôm đó là đêm không thể quên của đoàn. Thời tiết không ủng hộ chúng tôi, cơn mưa lớn đổ như trút xuống vùng đất địa linh kiệt này. Bản thân tôi cũng thích mưa nhưng ngay lúc này thì không hay tí nào.Mưa xuống đi đâu cũng gặp bộ dạng ướt át, tiếng thở than ngày giông bão, những con đường ủ ê cây lá lướt thướt như nàng thiếu nữ chưa kịp hong sấy…Cả đoàn không ai nói gì, sự lo lắng thể hiện trên từng gương mặt của các thành viên, tiếng mưa vẫn rơi đều rã rích bên ngoài vạn vật để đón nhận tất cả gốc rễ sự sống.Sau khi BTC hội ý quyết định mưa vẫn làm, chính chúng tôi phải bật cười khi phải dọn ghế ra, dọn ghế vào gần 10 lần do trời lúc tạnh lúc mưa. Lúc này sân khấu là nơi chúng tôi trú mưa, cũng là nơi diễn ra chương trình văn nghệ do Nhạc sĩ Thái Hiệp và Nhạc sĩ Mai Trâm dẫn đầu. Tất cả tạo nên một không khí ấm cúng, thân mật và cũng chính đồng chí Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện tây Sơn ngạc nhiên khi đoàn chi bộ NVHTN thực hiện vui đến như vậy. NVHTN đã trao tặng biểu trưng và phần quà cho Huyện Đoàn Tây Sơn số tiền 5.000.000đ.


H ầ m H ô - Đ ị a d a n h k h ắ c s â u l ị c h s ử
Rời khỏi Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi đến với một danh lam có cái tên rất dân dã mà cũng rất ngộ nghĩnh: Hầm Hô. Để mô tả về địa danh khắc sâu lịch sử với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và các nghĩa binh Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng này,  có bài thơ rằng: “Hầm Hô đá dựng cheo leo. Rì rầm như tiếng quân reo thuở nào”. 
Ngồi thuyền xuôi theo dòng nước, chúng tôi mải mê ngắm nhìn khung cảnh hai bên đồi cây xanh thơ mộng, thích thú đưa tay nghịch con nước mát rượi giữa cái nắng buổi trưa hè. Tôi vốn rất thích nước, hẳn trong mỗi người đều có những ký ức tốt đẹp về những dòng sông. Không ai bảo ai, mọi người đang thưởng thức sự tĩnh lặng không có sóng nước, chỉ có những đàn cá bơi lội tung tăng. Hai bên chỉ toàn là những tán cây phủ đầy những lớp rêu xanh của thời gian bao phủ. Tôi đưa tay đón nhận những lá rêu li ti nằm trong lòng bàn tay, cảm nhận những cơn gió quấn quýt lấy chân tôi trong từng kẽ hở của những giác quan trỗi dậy. Nhìn xung quanh thì phát hiện ra mọi người đếu giống như  tôi… Anh Nguyễn Quang Cường – Phó GĐ NVHTN – Bí thư chi bộ NVHTN ngồi đầu thuyền thưởng lãm những hình ảnh đẹp của chuyến đi, anh cười và nói: “Thật tuyệt! Chuyến đi ý nghĩa cho các bạn trẻ để có cơ hội tìm hiểu lịch sử hào hùng của cha ông ta, biết nét văn hóa truyền thống của người dân Bình Định…”
Xuyên qua cành lá, Hầm Hô hiện ra trước mắt tôi như chốn bồng lai tiên cảnh. Đến bây giờ, tôi mới có thể hiểu tại sao Hầm Hô còn có một tên gọi mỹ miều khác: “Cửa ngõ một thiên đường”. Thiên đường không thể vẽ bằng giấy mực cũng không thể thể hiện trọn vẹn qua ống kính, một thiên đường phải “đến tận nơi, xem tận mắt” mới thỏa lòng được. Những tảng đá lớn, nhỏ, vuông, tròn nằm chất chồng lên nhau, phơi mình dưới ánh nắng hay tắm mình trong dòng nước mát rượi; nàng cây xanh soi bóng xuống mặt nước ngắm nhìn những chú cá tung tăng bơi lội, dòng nước hiền hòa phản chiếu ánh nắng lấp lánh. Xa xa, làn khói dưới chân núi lan tỏa làm cảnh tượng thật ảo đan xen khiến du khách cảm thấy như lạc vào chốn bồng lai. Chính tại nơi đây, vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ, sau đó hợp lực với thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Mới một ngày cũng đủ cho tôi “no nê” với các “món” văn hóa truyền thống đặc sắc của Bình Định. Nói Bình Định là vùng “đất võ, trời văn” bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo như võ cổ truyền Bình Định, nhạc võ Tây Sơn, nghệ thuật hát bội, chơi bài chòi,… Lê Quý Đôn đã từng nói về vùng đất này với tình cảm ưu ái “Người Bình Định rất thích hát, rất thích võ và rất hay cười”.
Đoàn ghé thăm Trường PT Dân tộc Bán trú tây Sơn và ghé thăm Trạm kiểm soát biên phòng Nhơn Hải 

Xe chở đoàn rất khó khăn khi đi tới trường PT Dân tộc Bán trú tây Sơn do đường rất nhỏ và khó đi. Nhưng bù lại mọi người được ngắm nhìn những con đường làng, những cánh đồng lúa trải dài tận chân trời …Tại đây Đoàn trao tặng 25 phần quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Và đoàn cũng đến thăm và trao tặng món quà cho Bộ đội biên phòng tại đây.

Đ o à n g h é  t h ă m Đ ề n T ế  T r ờ i 

Đàn tế Trời Đất hay còn gọi là Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn, được khởi công xây dựng ngày 26/11/2011, trên khu đất rộng 46 ha, tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hoà Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Tương truyền, tại vùng non nước cẩm tú linh thiêng Ấn Sơn này, ba anh em nhà Tây Sơn đã được ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” trước khi khởi binh dựng nên sự nghiệp vĩ đại đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn thống nhất sơn hà, quét sạch ngoại xâm. Công trình bao gồm: Đàn tế, Đền Ấn, cổng Tam quan, hồ bán nguyệt và một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài. Đàn tế toạ lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng. Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, tượng trưng cho Trời. Tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, tượng trưng cho Đất. Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bằng tường đá ong theo hướng chính là hướng Nam. Bên trong cổng tam quan là nơi diễn ra một số nghi thức trước khi tế lễ. Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn, nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hoà giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương. Bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn được đặt ở nơi này. Đền Ấn gồm Tiền tế, Phương đình và Hậu cung - là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các công trình phụ trợ, được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam – Bắc. Quần thể Đàn tế Trời Đất được xây dựng không chỉ thể hiện lòng tôn kính và ghi nhớ công lao của nghĩa quân Tây Sơn lúc ban đầu dựng cờ chống lại thù trong giặc ngoài mà còn tạo thêm một điểm nhấn hấp dẫn trên trục du lịch lịch sử tâm linh về phong trào Tây Sơn dọc theo Quốc lộ 19 gồm Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế Trời Đất, những đền thờ nghĩa quân Tây Sơn ở An Khê – Gia Lai. Chính vì vậy, quý du khách hãy một lần đến đây để viếng thăm, dâng hương và bày tỏ lòng tri ân đối với phong trào Tây Sơn trường tồn cũng như sống lại với những thời khắc hào hùng của các anh hùng dân tộc

Đ o à n v i ế n g t h ă m N h à t ừ đ ư ờ n g B ù i T h ị  X u â n 

Họ sống anh hùng, chết oanh liệt nên cuộc đời cũng như sự nghiệp của Bùi Thị Xuân cùng các tướng lĩnh Tây Sơn được đời đời ghi danh. Không chỉ ở quê hương mà rất nhiều nơi trong cả nước đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của họ. Thế mới hay rằng, lịch sử và nhân dân thời nào cũng công bằng và luôn tôn vinh những người anh hùng biết sống vì dân, vì nước.

H à n M ạ c T ử 

Những vần thơ được nuôi dưỡng bằng nắng, gió, sóng biển và ân tình của mảnh đất thân thương đã trở thành bất hủ. Đến thành phố biển vào ngày trăng tròn, tôi lại đem lòng yêu biển đêm. Trước khi ăn tối, tôi ra biển để nhìn những con sóng vỗ, để cảm nhận cơn gió mang mùi biển đang vỗ về mình, hít hà cái vị mặn. Trăng vừa mới lên, sáng tròn vành vạnh một góc trời. Một đường trăng trải chiếu vàng trên biển để mặc con sóng làm nhấp nhô. Cảnh đẹp đến ngỡ ngàng làm tôi nhớ lại lời kể của Hàn Mạc Tử trong chuyến đi chơi mùa trăng với chị của ông: “Này chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời, và chúng ta đi thuyền trên trời hay dưới nước? Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước, cười đáp lại: Cả và hai chị ạ”. Ngoài khơi xa, những con tàu lấp lánh ánh đèn trắng, phản chiếu xuống nước như những ngọn hoa đăng trả trôi giữa dòng. Trời thanh, gió mát, khung cảnh hữu tình, tôi dễ dàng bắt gặp thanh niên tụ tập cùng nhau uống nước, nói chuyện. Các cụ già ngồi thư thả ngắm nhìn trời sao, có cụ nằm lăn cả ra cát quên đi lo âu mà bình thản dưới bầu trời sáng trăng đêm rằm.
E l D i 

Bình Định, nơi sóng biển vỗ dạt dào, nơi của những tháp Chàm u huyền cổ kính, nơi núi non hùng vĩ ghi dấu chiến công của người anh hùng áo vải Quang Trung, nơi truyền thống thượng võ thấm sâu vào máu thịt người dân, nơi thăng hoa của nghệ thuật hát bội, bài chòi và là nơi của những làng nghề truyền thống, những món đặc sản độc đáo. Trở về rồi, tôi lại nhớ cái nắng, cái gió của Bình Định, nhẹ nhàng và vấn vương. Lòng tôi cứ băn khoăn mãi về miền đất hứa này: Liệu có phải nàng công chúa này đã chìm trong giấc ngủ quá lâu? Và liệu chăng, đã đến lúc chúng ta dành tặng một nụ hôn để đánh thức nàng công chúa xinh đẹp thức giấc ?

E l  D i




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét